Chiêu trò câu like của người ở cửa hàng trà sữa Ding Tea Big C Thăng Long có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo
Liên quan đến câu chuyện chị N. (ở Hoài Đức, Hà Nội) đưa con đi uống trà sữa tại Ding Tea trong siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi về nhà bất ngờ thấy hình ảnh con trai bị đăng tải lên mạng xã hội với nội dung tìm ba mẹ cho bé trai bị thất lạc, chúng tôi đã có những trao đổi với luật sư để có cái nhìn bao quát hơn về câu chuyện này.
Được biết, trước khi hình ảnh con trai chị N. chia sẻ lên mạng, người chụp ảnh (là người ở cửa hàng trà sữa) có xin phép chị N. cho đăng tải hình bé với nội dung trêu đùa "bé trai bị bỏ quên" nhưng chị N. không đồng ý. Thế nhưng, sau khi về nhà, vợ chồng chị N. và người nhà lại tá hỏa khi thấy hình ảnh con trai trên mạng xã hội với tựa đề tìm ba mẹ cho bé bị thất lạc. Trước sự việc này, gia đình chị N. rất bức xúc về hành động của người phụ nữ trên.
Sau khi sự việc vỡ lẽ, người ở cửa hàng trà sữa Ding Tea trong siêu thị Big C Thăng Long đã gọi điện đến gia đình chị N. tỏ ra ân hận vì những gì đã làm. Chiều 4/9, người phụ nữ này đã trực tiếp xuống nhà cháu bé để xin lỗi.
Để tìm hiểu về việc người phụ nữ tung tin bé trai bị cha mẹ bỏ quên lên mạng kèm theo nội dung liên quan đến cửa hàng, trao đổi với PV, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với hành động trên, người này đang có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo bởi đưa hình ảnh khi không được sự đồng ý của chủ nhân.
Người ở quán trà sữa Ding Tea sử dụng hình ảnh bé trai để trêu đùa không được sự cho phép của cha mẹ bé
Đối với trường hợp đưa hình ảnh cháu bé lên mạng xã hội như trường hợp trên mà chưa được sự cho phép của cha mẹ, luật sư Thanh cho rằng, hành vi này xâm phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
"Theo quy định này, việc sử dụng hình ảnh em bé nêu trên phải có sự đồng ý của cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật của em bé. Trường hợp cha, mẹ em bé không đồng ý, họ có thể yêu cầu người sử dụng hình ảnh hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại (nếu có)", luật sư Thanh thông tin.
"Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh 2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh." |
Không có nhận xét nào: