Widget Recent Post No.

Những tranh cãi xoay quanh việc tăng học phí của Vinshool

Việc Vinschool tăng học phí có lẽ là vấn đề gây tranh cãi ầm ĩ nhất trong những ngày vừa qua, bên cạnh là hàng loạt những sự việc liên quan đến giáo dục gây xôn xao dư luận. Hết chuyện giáo viên đăng "tâm thư" xin ra khỏi biên chế, đến lá đơn của một phụ huynh gửi cô Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh....


Quang cảnh ngôi trường Vinschool

Có lẽ, lâu lắm rồi, trên mạng xã hội, mới thấy làn sóng phản ứng bất lợi dành cho Vinschool nói riêng và Tập đoàn Vingroup lớn đến vậy. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi "của đau con xót", tâm lý chung của đa số phụ huynh là cứ thấy tăng học phí dù ít hay nhiều cứ phải "kêu" cái đã.

Điều nữa quan trọng hơn, đó là, việc tăng học phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập, tâm lý, tư tưởng của học sinh, đồng thời sẽ kéo theo những khó khăn, bất cập cho các bậc phụ huynh, nên việc nhiều bậc phụ huynh phản ứng mạnh mẽ là dễ hiểu.

Tôi cũng là một phụ huynh, có con đang học ở trường công và cũng đang nghiên cứu về hệ thống giáo dục của Vinschool để ấp ủ dự định sắp tới sẽ cho con học ở đó. Tôi biết thông tin về việc Vinschool tăng học phí từ khá sớm, khi đọc trên trang cá nhân của một số "hot facebooker".

Ban đầu, đọc một số thông tin, tôi cứ ngỡ Vinschool đã "lừa" phụ huynh đợi nhập học xong mới bắt đầu thông báo tăng học phí của năm học. Nhưng sau, tìm hiểu kỹ, hóa ra không phải. Mức thông báo tăng học phí ấy là của năm học 2018-2019. Như vậy, việc thông báo tăng học phí này, về mặt thời gian, không có gì quá gấp gáp. Nó không đến mức buộc phụ huynh phải "vắt chân lên cổ" như nhiều người phản ứng.

Tìm hiểu thêm phần giải thích của đại diện Vinschool, tôi biết thêm, việc tăng học phí này theo lộ trình cho 5 năm học, và mỗi năm tăng thêm một chút, ở mỗi bậc học, cấp học, mỗi đối tượng cũng có sự tăng khác nhau. Trong đó, đối tượng là các học sinh cũ đang theo học Vinschool không bị ảnh hưởng nhiều.

Nếu xét theo bảng thông báo mức tăng học phí mới, rồi so sánh, đối chiếu với các trường quốc tế hoặc tư nhân uy tín, chất lượng khác ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cho rằng, nó không đắt. Thậm chí còn rẻ hơn nhiều so với một số trường quốc tế khác. Tất nhiên, đó chỉ là so sánh đơn thuần về học phí, còn với trường học phí cao hơn kia, chắc chắn họ có những ưu điểm mà Vinschool chưa thể so sánh được…

Theo lý giải của đại diện Vinschool, số tiền tăng học phí sẽ chủ yếu sử dụng vào việc nâng cao chất lượng dạy học.

Cụ thể là, họ sẽ tăng thêm các tiết dạy học ngoại ngữ, thuê thêm giáo viên nước ngoài, mở rộng chương trình học, mua sắm, đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy, học để nâng tầm Vinschool thật sự trở thành nơi Ươm mầm tinh hoa như mục tiêu đề ra. Nghĩa là, tăng học phí để nâng cao chất lượng dạy học.


Bà Phan Hà Thủy, Tổng Giám đốc hệ thống Vinschool. Ảnh: Nhịp sống kinh tế


Điểm khiến nhiều người hiểu lầm khi phản ứng việc tăng học phí đó chính là  cụm từ "phi lợi nhuận" mà Vingroup công bố chưa lâu. Vinschool là hệ thống giáo dục, nhưng nó hoạt động theo nguyên lý của một doanh nghiệp. Và, việc "phi lợi nhuận" trong kinh doanh nó không hoàn toàn giống với thuật ngữ "miễn phí" hay "tài trợ toàn bộ" như một số người nghĩ.

Tôi hiểu rằng, Vinschool hoạt động "phi lợi nhuận" nghĩa là họ không sử dụng tiền lãi từ giáo dục để chia cổ tức, đút số tiền ấy vào túi các cổ đông, mà họ sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền thu lãi để tái đầu tư, mở rộng thêm hệ thống trường học. Với số học sinh hiện lên đến gần 20.000, tôi tin rằng, chắc chắn nằm ngoài dự định ban đầu của Vinschool khi quyết định đầu tư vào giáo dục.

Sự tăng đột biến học sinh này dù chứng tỏ rằng Vinschool ngày càng được tin tưởng, song, nó cũng đè lên vai họ nhiều khó khăn, đó là phải mở rộng hệ thống trường lớp, kéo theo một chuỗi các nguồn kinh phí khác. Do đó, tăng học phí theo lộ trình, với mức độ phụ huynh có thể chấp nhận được là phương án dễ hiểu.

Nhiều người nhân sự việc này cho rằng Vinschool lật lọng, chơi trò "úp sọt" khách hàng, nuốt lời cam kết trong 10 năm không tăng học phí. Thực ra, đó chỉ là phản ánh một chiều, cảm tính, bởi trên thực tế, những người này không đưa được ra bản cam kết nào về điều đó. Vì vậy, nếu muốn dùng nó để đấu tranh trên mặt pháp lý, tôi nghĩ không có đủ cơ sở.

Không tranh đấu về mặt pháp lý, nên không ít phụ huynh chọn cách đem hết bức xúc của mình "xả" lên mạng xã hội, hòng tạo ra một hình ảnh xấu xí cùng cực cho Vinschool, thậm chí có ý kiến còn kêu gọi tẩy chay toàn bộ hệ thống. 

Nếu cứ tránh cãi thì dù ai là người "thắng", phần thiệt thòi lớn nhất vẫn là các cháu học sinh vô tội. Điều ảnh hưởng tôi nghĩ lớn nhất, đó là các con nhìn thấy hình ảnh khác về hai phía mình luôn kính trọng tranh cãi nhau vì tiền. Hình ảnh ấy chẳng tốt đẹp gì khi in đậm trong tâm trí và được các con mang theo trong trí nhớ trong suốt hành trình sau này.

Bảng học phí cho thấy mức tăng tích luỹ theo từng năm học. Ảnh: Nhịp sống kinh tế

Trong vụ việc này, Vinschool cũng có điểm đáng trách. Cách phản ứng của đại diện Vinschool trước ý kiến của phụ huynh và dư luận là hơi chậm chạp và thiếu mềm mỏng. Đặc biệt, phần trả lời báo chí của bà Tổng giám đốc Vinschool khá cứng nhắc, thiếu ôn hòa, dù có thể về lý không sai, nhưng đã vô tình đẩy sự căng thẳng lên cao hơn.

Giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, học sinh dù ở môi trường nào cũng cần được dành cho sự quan tâm, ưu ái cao nhất. Nếu mang tư duy kinh doanh kiểu "ưng thì mua, không thì đi chỗ khác" ra để áp đặt lên lĩnh vực giáo dục, chắc chắn sẽ bị dư luận lên án, mặc dù thực tế có thể diễn ra như vậy.

Cách tốt nhất để tháo gỡ ngòi nổ của vụ việc này, đó là hai bên nên ngồi với nhau, trao đổi thẳng thắn, chân thành, với quan điểm hợp tác, cùng có lợi. Đại diện Vinschool nên cân nhắc, hạ mức tăng hoặc có thể giãn thời gian tăng học phí ra dài hơn, tránh gây áp lực lớn lên vai phụ huynh.

Đồng thời, cả hai bên cần đi thẳng vào vấn đề mà theo tôi cho là quan trọng nhất: Chất lượng đào tạo. Vinschool phải cam kết rằng khi tăng học phí, chắc chắn chất lượng giảng dạy sẽ cao hơn, biểu hiện cụ thể ở những chỉ số, tỉ lệ đặt ra nhất định. Nếu phụ huynh đồng ý cam kết đó, nên vui vẻ ủng hộ quyết định tăng học phí của Vinschool. Như vậy, mới là cách giải quyết phù hợp, thực sự vì học sinh và mang tính bền vững, lâu dài.

Nguồn: http://doisongvietnam.vn/vu-am-i-quanh-viec-vinschool-tang-hoc-phi-tai-anh-hay-tai-a-29407-13.html

An Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN



Những tranh cãi xoay quanh việc tăng học phí của Vinshool Những tranh cãi xoay quanh việc tăng học phí của Vinshool Reviewed by Unknown on tháng 9 27, 2017 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.